Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Trong khung cửa


Về nhà. Đặt giỏ chợ xuống bếp, trên bàn có một cánh hồng của một ai đó mang đến tặng. Các con tôi lau nhau tả dáng, tả hình, mỗi đứa một cách, rốt cuộc tôi chẳng đoán được là ai(?). cắm cánh hoa vào ly nước, nhàu nhĩ lạc lõng.
               Lúc sáng sớm dắt xe ra chợ nghe cô chủ tiệm may bên cạnh nhà la lên:
-        Tui không nhận! Là tui không nhận!
Anh chồng cô với bộ mặt điển trai, lúc nào cũng có vẻ nồng nàn tình tứ, anh chàng phong lưu công tử đầy quyến rũ, cũng đầy tài trăng hoa nhăng nhít... hai tay ôm một bó hoa hồng to tướng nhăn nhở nịnh vợ. Cô vợ né tránh xua đẩy:
-        Không nhận! Không nhận!
Tôi chợt nhắc nhở mình hôm nay là 8/3. Từ lâu rồi, chồng tôi bảo:
-        Bày đặt! A dua theo mốt! Lễ hội cái gì?!


Tôi không ý kiến, nghĩa là tôi đã bằng lòng chấp nhận chẳng cần phải có lễ hội gì! Nhưng hôm nay, bạn bè mấy mươi năm đã khởi động: Họp mặt! Và họ quyết định điểm hẹn tại nhà tôi. Những bà bạn trẻ trung ở lứa tuổi không còn trẻ ồn ào nhộn nhịp kéo nhau đến:
-        Ngày phụ nữ chúng ta! Vùng lên
-        Dẹp soong nồi chén bát đi!
-        Dẹp “con thơ chồng dại” đi!
Chục chiếc xe máy phóng vút ra đường phố như chim xổ lồng, xe trước lạc xe sau mất hút. Nhắn máy gọi nhau, tìm lòng vòng khắp phố hết cả tiếng đồng hồ. Kéo nhau vào quán xá chờ đợi gần tiếng đồng hồ nửa mới gom được đủ mặt. Chín người mười ý gần hai mươi “bà nội, bà ngoại” gộp lại thành cả cái chợ lao nhao. Người bún, kẻ phở rồi cà phê, sinh tố trái cây... bàn ghế quây lại chiếm lĩnh một phần ba quán. Từng câu chuyện chung, chuyện riêng, râm ran, và ba người thì thầm tâm sự... cô bạn Bạch Mai bổng kêu lên:
-        Ê! Ngọc Minh, tui nhớ bà là lớp trưởng ngày xưa mà?
Thu Thủy phụ họa:
-        Ừ, sao giờ im ỉm dzậy? Hoạt náo lên chớ.
Hồng Phượng tiếp:
-        Ngày xưa nhiệt tình sôi nổi bao nhiêu thì ngày nay phải thâm trầm điềm đạm cho huề hả.
Tôi cười, im lặng. Câu chuyện chuyển mũi dùi về tôi khi Huyền Hương đòi nhận Minh Hòa làm chị dâu để giới thiệu cho ông anh Hoàng quân của nó – một người đàn ông tài hoa vẫn còn “phòng không chiếc bóng” bên xứ người.
Huyền Hương chỉ trỏ tôi:
-        Ông Hoàng Quân còn “trơ trọi” cũng tại vì bà Ngọc Minh đó, ông “ra đời” thì bà đã có chồng.
Quỳnh Hân lên tiếng:
-        Thôi đi! Ông anh bà thề theo chúa, bộ bà Minh sống già đợi ổng chắc?
Hồng Phượng dang tay giảng hòa:
-        Thôi! Thôi! Chuyện củ đừng có lôi ra không thì “phá rối gia can” người khác...
Tôi ngồi cười không ý kiến. Kim Trân gọi thằng bé bán hoa ại mua tặng mỗi người mỗi đóa. Tôi rút phải cành hoa màu trắng, để lại cạnh bàn, đứng dậy. Trời trưa nắng như đổ lửa, tôi than với Hồng phượng:
-        Bữa cơm trưa hôm nay đã phó mặc cho chồng con...
Hồng Phượng xoay người:
-        Chuyện nhỏ, để cho quen đi!
Một số bà bạn còn rủ nhau thêm các tiếc mục buổi chiều, buổi tối, over night!
Hồi ấy, người yêu đầu đời  thời xưa trẻ của tôi là Hoàng Quân hay Phạm Tuấn? Dường như đã quệnh cả hai làm một. Phạm Tuấn cứ bảo tôi có bản tánh như một triết gia, một kiểu “ba phải “ chấp nhận hết và một kiểu lý giải”gàn – bát sách”. Phạm Tuấn thực tế và thực dụng nên vài năm sau chúng tôi chia tay. Nghe nói bây giờ anh giàu lắm, làm giáo viên mà giàu kể cũng hay, bạn bè kháo nhau: có một lần kẻ trộm cạ cửa dọn hết nhà anh, chiếc xe DreamII thời mới ra lò là một gia sản không nhỏ, ngay hôm sau anh đi mua sắm lại liền tay.
Một lần gặp anh trên phố, mập tròn da xin xỉn do căn bệnh di truyền từ giòng họ. Cái gọng kính trên gương mặt trí thức ngày xưa giờ na ná một con buôn hơn ông giáo. Anh vẫn thường gặp tôi, có lẻ không hoàn toàn là tình cờ, nhưng trong tôi chẳng còn gì khơi đọng lại. Anh báo tin từng sự cố trong gia đình anh: chuyện cha anh mất, mẹ anh nằm li bì một tuần rồi mất theo. Chuyện người chị mất, rồi người anh mất...cùng một chứng bệnh! Tôi nghĩ về vợ anh – cũng là một người bạn trong nhóm ngày xưa: ngày xưa chúng tôi cùng hoạt động văn nghệ thể thao liên minh các trường, anh có tài diển xuất các vai kịch xuất sắc và anh cũng là thần tượng sáng giá của bao nữ sinh các trường đồng trang lứa thời đó. Ta đã hẹn nhau qua xong đại học sẽ thành đôi; dự tính không thành, anh đi dạy vùng xa vừa đi học hàm thụ đại học. Tôi lấy chồng, sinh con rồi các chị gái của anh vẫn còn dò hỏi:”có chồng rồi thật không?”. Tôi sắp sinh đứa con thứ hai, anh lấy vợ. Ngày đưa vợ lên đường ra Huế nhập trường y khoa, anh ghé đến nhà tôi bảo rằng: con anh vừa 6 tháng, anh sẽ cáng đáng nuôi con, cả nuôi vợ ăn học, có lẻ là để nhắc nhở cho tôi thấy ý tưởng ngày xưa của anh đang thực hiện: một gia đình trí thức kiểu mẫu. Tôi phục ý chí anh nhưng vẫn thấy không hợp. Cánh hoa hồng 8/3 năm ấy, tôi nhẹ nhàng đặt lại vào tay anh:
-        Xin gởi tặng phu nhân.
Hoàng quân là người trong ảo vọng từ thời 15 tuổi của tôi. Anh có đôi mắt buồn thăm thẳm nhưng hay bảo là mắt tôi có cánh, nhìn mênh mông... hồi ấy, tôi và Huyền Hương em gái anh cùng học một lớp tại một trường nữ trung học công lập, cùng đoạt những giải Văn-Thể-Mỹ đáng giá cho trường. Tôi và Huyền Hương bám sát theo anh nhờ anh giúp cưa lộng là cây rừng và các con thú Nai, Sóc, Báo, Chúa sơn lâm... bằng gỗ. Tôi ghép hình thành một khung tranh rừng rú hoang dã, Chim, Sóc trên cây, loài bò sát dưới đất, con Hổ rạp mình rình mồi nấp trong tán cây dưới ánh trăng đêm huyền hoặc. Hoàng Quân gắn thêm con búp bê nhỏ vào bức tranh bảo đùa tôi là:
-        Cô bé lạc trong rừng!
Chẳng hiểu vì sao anh lại nói thêm:
-        Coi chừng lạc mất trong đời!
Bức tranh đó tôi đoạt giải, hôm ăn khao anh búng ngón tay vào má tôi:
-        Tài hoa thì phải khổ vì trời đất ghen!
Thấy tôi lớ ngớ anh phì cười bảo:
-        Mắt chi mà ngơ ngác quá!
Từ đó tôi bị ám ảnh đôi mắt xa vời của anh. Anh ở giòng Giuse đã khấn nguyện tu trọn đời, anh sẽ lên chức cha. Một tuần thử thách biệt lập trong căn phòng yên tĩnh, một mình anh cân đo dùng dằng những ý tưởng về đời và anh đã cưới chúa. Sau đó anh tiếp tục đối xử với tôi bình thường, nghĩa là giăng chút tình hư hư thực thực. Tròn mười sáu tuổi tôi biết nói lên ý nghĩ:
-        Anh mượn em để tôi luyện ý chí của anh à?
Anh sựng lại nhìn tôi đăm đăm:
-        Nếu đúng thế thì em có công với chúa!
Tôi ngúng ngẩy:
-        Em ngoại đạo!
Lòng tự trọng trong tôi buộc mình thản nhiên; tôi vẫn đến nhà thờ nơi anh ở, tiếp tục nhờ anh dạy tôi đánh đàn, đánh trống, giảng giúp những bài văn, bài toán... trái tim kiêu hãnh không bao giờ chịu nhận yêu anh. Tôi vẫn đi chơi với Phạm Tuấn, kể cho anh nghe về Phạm Tuấn: con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, nhiều ý chí, nghị lực và tham vọng; đầy đủ mọi ưu điểm vượt trội của một đấng mày râu. Anh ủng hộ tôi và Phạm Tuấn nhưng từ chối không gặp Tuấn. Có những lần tôi cảm nhận anh muốn ôm hôn tôi nhưng lãng tránh thật nhanh, tôi cũng có những lần sững sờ như chết trong mắt anh; nhưng tôi cũng đã biết tự kiềm chế cảm xúc của mình từ thời đó... để những lần trong vòng tay Phạm Tuấn tôi ứa nước mắt vọng tưởng nụ hôn anh. Anh là niềm tin, niềm hãnh diện của gia đình anh và tôi luôn nhớ anh đã dâng trọn mình cho chúa.
Hai mươi năm sau gập đôi số tuổi, tôi sống thu mình trong mái gia đình nhỏ, hiền lành cam chịu, không khát khao chờ đợi gì. Tấc cả tình yêu thương đong đầy cho những đứa trẻ ngộ nghĩnh tôi sinh ra..tôi cũng tìm chổ dựa tinh thần vào thi ca, trút bỏ vào thơ những ưu phiền  lặng lẻ, tự vổ về an ủi, tự cân bằng tâm sinh lý những lúc cô đơn hoài niệm. Trong thơ tôi tự do khơi lại ký ức, nỗi niềm riêng tư.
Từ khi Hoàng Quân theo chuyến tàu đánh cá định cư nước ngoài, tôi chia tay phạm Tuấn, lấy chồng vội vã, biết mình đang chạy trốn mình và cứ mượn nhân cách ảo ảnh đẹp đẽ của hai bóng hình cũ trùm lên cho chồng tôi. Một anh chồng chân chất, cần cù đơn giản.kể ra cũng có thể hạnh phúc...
Sau này nhiều khi rãnh rỗi ngồi nghĩ vẫn vơ tôi ngờ ngợ mình đã từng yêu hay chưa hề yêu? Yêu là gì nhỉ? Định nghĩa một tình yêu như xưa của tôi là chưa phải; vậy yêu theo bây giờ là cuồng nhiệt thiết tha cả tâm hồn lẫn thể xác...? thế ra mình chưa hề yêu và chưa hề được yêu(!) cái “ba phải” trong tôi lại bùng lên lan man, hạnh phúc đầm thấm nhẫn nhịn này có đã là hạnh phúc...?
***********************************************

Cô thợ may lân la sang chơi, nói chuyện:
-        Chị biết không, mới đầu hôm ảnh đòi ly dị, đòi bỏ em; sáng ra đem hoa tặng, chịu nổi không? Làm sao em nhận được?! Nhìn bề ngoài ai cũng tưởng ảnh yêu thương em lắm!.... tình cảm gì ảnh!... thời tiết nắng mưa...
Tôi an ủi:
-        Thôi vậy, cứ nhận đi cho yên nhà yên cửa. Có tặng còn hơn không..
Cô rơm rớm gạt nước mắt:
-        Thì ... ảnh cứ đặt vào tay em..!
Chồng tôi thì.. yêu cầu cho có một chút “thời tiết” đến độ tôi đã từng chai mặt lên:
-        Anh à, nếu mà em bệnh chỉ cần anh biết đặt tay lên trán thăm dò nóng, lạnh là bệnh biến mất ngay!
Anh nhìn tôi lạ lẫm, mặt sượng sần tiếp tục đóng sửa chiếc ghế gãy. Đưa búa gõ lên cây đinh trật vào tay...

Cuộc họp liên hoan bất thường 8/3 năm nay, thường thì cơ quan tôi tổ chức sớm hơn hoặc làm buổi sáng. Năm nay ngoại lệ vì vài lý do chính đáng.
Bước chân vào phòng tiệc, một anh bạn đón chào khen ngợi;
-        Hôm nay em lộng lẫy quá!
Đi ngang chiếc tủ gương tôi liếc nhìn mình, có thể tin lời khen không? Những lời khen cứ làm tôi ngượng. Một anh bạn đến tranh ngồi bên cạnh tôi, các vị hai bên và trước mặt ai cũng ân cần tử tế. Cuối buổi tiệc tôi ra ngoài kiếm một góc vắng ngồi, anh bạn đến bên:
-        Anh có đến nhà em hôm 8/3
À! Thì ra anh, chủ nhân của đóa hoa nhàu!
-        Ngày lễ phụ nữ các anh cũng tiệc sao?
Không hiểu ý dọ hỏi của tôi, anh bạn thật thà:
-        Các chị trong cơ quan mời anh nhậu từ sáng đến giờ.
Trong đầu tôi nhẩm mấy câu thơ thiên hạ hay đọc nhân ngày này:
-“hôm nay ngày tám tháng ba
Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi”
Hoặc:
-“mẹ ơi mùng tám tháng ba
Cho con tiền để mua hoa...tặng bồ”
Tôi cười vu vơ nghĩ: các anh, những gã đàn ông tự cho phép mình lăn xăn chăm xóc những người phụ nữ khác, ngoài vợ. Anh thủ thỉ tâm sự: “Vợ anh đã cuốn gói theo một người khác”... tôi thầm hỏi: “và giờ anh muốn vợ người khác cuốn gói theo mình chăng?”. Người đàn ông mất vợ cam chịu đời gà trống nuôi con làm vẻ mặt khổ sở. Tôi hỏi tưng tửng:
-        Anh làm sao mà vợ bỏ anh?
Anh bạn đỏ mặt lúng túng. Tôi tự đối lại trong đầu:” người phụ nữ làm sao mà bị chồng bỏ”. Và rồi không chủ đích gì, tôi suy ngẫm chuyện bỏ chồng. Ừ, có thể chồng như thế nào đó, đáng bỏ! Nhưng bỏ chồng, còn con thì sao. Cuộc sống đôi lúc bực nhọc, nhưng không bực nhọc thì đâu phải là cuộc sống. Tôi không thể nghĩ được như thế nào cho các con của tôi nếu tôi bỏ cha chúng. Tôi đã dồn hết tình yêu cho con và tình yêu con cột chân tôi lại với chồng. Những đứa con không phải bao giờ cũng ngoan, chúng càng lớn càng xa rời mẹ, ngưỡng cửa cuộc đời bao la mới lạ, mờ mịt cái tổ ấm chúng đã nằm. Sự bảo bọc của chim mẹ như tôi sẽ trở thành vướng víu trở ngại đối với chúng. Chim non đủ lông đủ cánh bay đi, tôi sẽ hóa thành chiếc bóng sau lưng chúng, rồi tôi sẽ tàn rụi, lọm khọm hết mọi ước ao trong đời. Mà ước ao bây giờ là gì? Một người bạn đời nào đó, có thể cùng nghe một khúc nhạc, một đoạn văn, cùng cảm nhận một âm từ...một người đàn ông(?!) nhìn quanh, điểm những khuôn mặt đàn ông đang có mặt. Ai là người có thể tin được? Ai là người khả dỉ hơn chồng tôi? Thôi, chắc chẳng có ai đâu! Chỉ là chút hòa nhoáng bề ngoài, va chạm cuộc sống đời thật rồi thì chắt gì ông nào hơn ông nào. Tôi hình dung ra những bóng dáng đàn ông nhếch nhác, sặc sụa rượu bia, lười biếng, cẩu thả, những lúc con cà con kê, ba hoa bốc phét lại lên giọng phô trương khoe mẽ rằng:”tán” được cô y..bà x. Hôn được em o. Được các em leo lên xe quá giang.....
-        Còn sớm đi uống nước với anh nhé?
Tôi che ngược bàn tay ngáp:
-        Về! Hôm qua không ngủ được
Giọng anh đột nhiên thật tình tứ:
-        Sao không gọi anh đến ru em ngủ?
Tôi rùng vai:
-        Sợ quá
              Người đàn ông đổi giọng trơn trớt:
-        Anh có làm chi đâu mà em sợ!
Tôi phóng vút xe đi,  vẫy tay không ngoái lại.
Về nhà, đêm nay mâm cơm để dành phần tôi có vẻ tươm tất, kỷ lưỡng. Trên chiếc đĩa một ổ bánh kem tròn gác bên một đóa hoa hồng và một cánh thiệp:
Mẹ ơi! Chúng con mừng ngày 8/3 tặng mẹ. Năm sau chúng con sẽ tổ chức  đàng hoàng hơn

Tôi cắt miếng bánh ngọt, vệt trăng nhòe trên trời và những nhánh lá đong đưa ngoài khung cửa sổ. Cuối cùng thì nỗi trống không của một ngày nhiều năm dài không còn dai dẳng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét