Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Chuyện của một thời


Ảnh: PĐQ
Nhà tôi bỗng rộn ràng lên, ai nấy đều nhong nhóng đợi chờ một điều gì đó thật tò mò, khác thường. Bà nội tôi từ Huế vào đã hai hôm nay, bà trang nghiêm,trầm lặng khác hẳn những chuyến vào trước đây, hình như bà căng thẳng lắm; cả bố tôi cũng vậy, hai người trầm ngâm ít chuyện trò, đêm khuya ấm nước chè cứ pha thêm mãi. Mẹ tôi bắt chúng tôi đi ngủ sớm, bà rón rén nhỏ nhẹ ra chiều tôn trọng sự yên lặng của bà nội và bố tôi.



Chú thím Tứ ngoài Qui Nhơn và chú thím Ngũ Ninh Hòa cũng dẫn ba đứa nhóc vào. Hai thằng Đôi và Đối con của chú thím Tứ đầu để chỏm như sư tiểu, mọi người trong nhà phải để ý cái nốt ruồi trên trán thằng Đối phân biệt với thằng Đôi. Ngày thím Tứ sinh ra hai thằng Đôi và Đối, bà nội tôi vào Qui nhơn ở cả nửa năm để giúp thím Tứ chăm sóc hai thằng cháu đích tôn này. Tôi còn nhớ chúng bị sinh thiếu tháng èo uột, hết đứa này vào viện đến đứa kia vào viện, bố mẹ tôi cũng thấp thỏm chạy ra, chạy vào theo sự kêu gọi của bà nội tôi. Bây giờ thì chúng mạnh khỏe, nói theo kiểu dân dã là khe như trâu và nghịch như quỷ: khó lòng giữ được cho căn nhà có trật tự. Thằng Nhi con chú thím Ngũ lại hiền lành nhút nhát như con gái, đành chịu đựng các trò tinh quái của hai thằng anh họ.

Bố mẹ tôi sinh một dây năm cô con gái, khi em gái út của tôi ra đời, bố mẹ tôi để tóc húi cua cho tôi, tôi được mặc quần đùi áo cộc giả trai, bố mẹ tôi bảo để nhìn cho vui mắt. Tôi thì giống như bà mụ nắn lộn, cái tướng không có vẻ gì là con gái mà tính nết bộ điệu còn nghịch ngợm ăn đứt đám con trai, đến nỗi xóm làng hồi đó ít ai nhớ tôi là con gái. Chắc hẳn là đồng lúc cho tôi giả trai bố mẹ tôi cũng có một chút dị đoan muốn làm như vậy để cầu may đẻ được một thằng con trai. Nhưng từ khi chú thím Tứ sinh hai thằng Đôi thằng Đối, chú thím Ngũ sinh thằng Nhi, bà nội tôi thôi ngóng cháu đích tôn ở bố mẹ tôi; bố mẹ tôi xem chừng cũng lơ là luôn việc giả trai cho tôi làm tôi dần dần hóa nguyên hình... con gái! Bà nội tôi rất thích cháu trai nhưng lại yêu quí đám cháu gái chúng tôi nhất, có lẽ vì bố tôi được bà yêu quí nhất.

Sự kiện lạ bắt đầu khi hai chiếc xe máy xuất hiện đầu ngõ, thằng Đôi thằng Đối chạy vút vào nhà loan tin:
- Tới rồi!
Mọi người lớn đồng đứng dậy vội vã ra phòng khách, bà nội tôi chậm rãi ra sau cùng, ông Nghị (em ông nội tôi) và chú Ngũ đã về, đi bên cạnh họ là một người đàn ông còn trẻ, thot trông thấy tôi phải quay lại nhìn lên bàn thờ, ông ta giống y hình ông nội tôi! Ông mặc một chiếc áo sơ mi trắng, quần bộ đội, tay cầm nón cối, vai mang ba lô. Mọi người đứng quanh chỗ bà nội ngồi, tôi nghe giọng Bắc rất rõ ràng trầm ấm:
- Con lạy mẹ ạ!
Bà nội tôi ngồi lặng yên,mặt bà trắng xanh,cái nhìn như xa xôi lạnh lẽo. Ông chú tôi - người đàn ông ấy là chú tôi lưu lạc từ bé - ông chú nhìn bà dọ hỏi, đặng nói tiếp:
- Con đi chuyến Hà nội - Thành phố Hồ Chí Minh mới xuống được ga Nha Trang. May nhờ có ông và anh ra đón không thì còn vất vả lắm! Mẹ có khe không ạ?
Nội tôi chậm rãi hỏi:
- Cô ngoài ấy khe không? Sao không đưa cô vào chơi?
- Dạ, u con quanh quẩn ruộng vườn, xin phép mẹ bận sau con sẽ đưa u vào thăm mẹ.
Im lặng một lúc,tôi nghe ông chú nói:
- Xin mẹ cho con thắp nhang lạy các cụ.
Bà nội tôi thở ra, sắc khí có vẻ hồng hào trở lại. Bà bắt đầu giới thiệu từng người, phân ngôi thứ và gọi bầy cháu chúng tôi ra chào chú Hy; bố tôi và chú Tứ chú Ngũ hình như hơi lúng túng trước sự tự nhiên đĩnh đạc của chú Hy. Lúc xuống bếp phụ bưng thức ăn lên tôi nghe mẹ nói với thím Tứ:
- Chú ấy cũng biết lễ nghĩa lắm. Ai bảo đâu mà tự biết gọi bà bằng mẹ, xem cũng có lòng tôn trọng.
Thím Tứ nói:
- Phong thái người Hà Nội là thế chị ạ!
Tàn buổi tiệc, ông Nghi nói với nội tôi:
- Tôi giao anh con trai lại chị - Đoạn ông xoay sang nói với chú Hy:
- Ở đây hàn huyên với bà, với các anh các chị, chơi với các cháu nhá. Tôi xong nhiệm vụ, tôi về đây!

Tôi lắng nghe chuyện của người lớn, hiểu lỏm bỏm rằng: Ngày xưa ông nội tôi đi làm quan xa tận ngoài Bắc để bà nội tôi ở lại Huế chăm sóc ông bà cố, rồi năm chia đôi đất nước, thành kẻ Nam người Bắc. Ông nội tôi lấy vợ l sinh ra chú Hy, mẹ chú Hy bồng con lên núi sinh sống. Sau hòa bình, ông Nội tôi đã mất, bà nội tôi nhờ người dò tìm mãi, giờ mới gặp.

Gia đình bố mẹ tôi ở Nha Trang, đây là quê hương thứ hai của chúng tôi, nơi chúng tôi đã ở lâu nhất. Ngày xưa bố mẹ tôi làm công chức ở Huế, bố tôi viết báo động chạm đến việc gia đình trị của chế độ Ngô Đình Diệm, bị đày đi Quảng Đức - một xứ khỉ ho gà gáy, đa số là người dân tộc ở, rồi cứ thuyên đổi Ban Mê Thuột, Pleiku... có những năm học chị em tôi phải chuyển trưng đến ba bận. Sau ngày hòa bình, bố mẹ tôi định về lại Huế, nhưng thấy Nha Trang khí hậu hiền hòa thích hợp nên đã định cư tại đây.

Chú Hy mau chóng chiếm được cảm tình của mọi người trong nhà, nhất là với đám trẻ chúng tôi, mà xem như tôi thân với chú nhất, vì chị Thúy thì hay bẽn lẽn xấu hổ còn đám em thì nhỏ quá. Tôi dạn dĩ với tính chất như con trai nên chú cháu tôi đi chơi quanh phố hoặc ra biển. Chú Hy hát rất hay, những chiều tối nào không hầu chuyện với bà nội tôi chú Hy đem đàn ra sân, chúng tôi quây quanh chú, hát và nghe chú hát. Chú Hy còn dạy cho tôi với chị Thúy mấy điệu nhảy cơ bản. Chị Thúy e dè hỏi:
- Bạn chú có nhiều người bạn biết nhảy không?
Tôi hỏi:
Hà Nội chú có bồ chưa?
- Chú chỉ mới có bạn trai và bạn gái, khi nào có tiệc tùng, lễ lạc gì vui thì nhảy, có khi có dàn nhạc sống.
Chú kể rằng hồi nhỏ chú ở Cao Bằng, Lạng Sơn, cuộc sống rất vất vả vì chiến tranh, chú đi học xa nhà ít được ở gần mẹ chú. Chú đi bộ đội, rồi được phục viên, trở về học tiếp, nay dạy ở một trường văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Nhiều lần chú rước mẹ chú ra Hà Nội nhưng bà chỉ ở chơi vài hôm rrồi về vì nhớ nhà cửa, vườn tược ở Lạng Sơn. Chú Hy ít nói về mẹ chú, nhất là những lúc có mặt bà nội tôi. Thỉnh thoảng bà nội tôi hỏi về ông nội chú mới thưa nhưng hình như chú cũng chẳng biết gì nhiều về ông lắm!

Vợ chồng thím Tứ, thím Ngũ ở chơi thêm được một hôm rồi về lại Qui Nhơn và Ninh Hòa. Vắng hai "ông tướng" Đôi, Đối, cái nhà tự nhiên yên tĩnh hẳn. Thường mỗi buổi sáng chúng tôi đi học, chú Hy ở nhà trò chuyện với bà và bố tôi. Khi bà nội nghỉ ngơi, bố đi làm, chú đọc sách hoặc viết văn, soạn nhạc. Tôi đã đọc được vài truyện ngắn của chú. Chú còn hát cho tôi nghe mấy ca khúc chú bảo là mới viết. Tôi không rành nhạc nhưng đôi chỗ thấy không thích tôi mạnh dạn nói chú sửa lại... chú gật đầu cười khen tôi: "Thảo khá lắm! Có năng khiếu lắm".
Chú cũng bày tôi viết văn nữa. "Cháu cứ viết ra hết dòng suy nghĩ của mình. Nhìn thấy cảnh nào hay hãy thu vào bộ nhớ, những cảnh tượng xung quanh, nhân vật, cảm nhận của mình rồi xếp đặt thành tự truyện hoặc ghi chép". Tôi cũng đã tập viết nhưng chưa dám đưa chú xem.

Một lần, đi học về, tôi dắt xe vào nhà. Chú Hy đang ngồi đối din với bà nội, tôi giật mình khi thấy bà nội khóc, chú Hy ngẩng đầu lên thấy tôi xong lại cúi đầu xuống. Tôi len lén đi sát vách tường trong, lắng nghe bà nội bảo: "Anh biết thế rồi tùy anh. Nay có anh, tôi giao lại từ đường...".

Ảnh: PĐQ
Mấy đêm sau, chú cháu tôi vẫn quây quần đàn hát, nhưng giọng chú Hy trầm hơn, khi còn lại mình với chú Hy, tôi hỏi: "Chú Hy 'từ đường' là nhà ở ngoài Huế phải không?".
Chú nhìn tôi một đỗi, rồi nói:
- Mai chú phải đi với bà ra Huế cho bà vui, chắc là chú về Hà Nội luôn... Chú cũng sắp hết phép rồi cháu ạ.
Nghĩ đến chia tay, tôi chợt buồn quá. Chú an ủi:
- Rồi chú sẽ lại vào thăm nữa mà. Cháu sẽ gởi truyện ngắn ra chú xem nhé. Chú cháu mình sẽ thư từ thường xuyên Thảo nhé!
Nói rồi, chú ôm đàn hát suốt, tôi có nhiều điều thắc mắt muốn hỏi nhưng không tiện. Mẹ tôi bảo tôi đi ngủ, để bố và chú nói chuyện.
Vào nằm bên chị Thúy, tôi cứ trăn trở mãi với nhiều ý nghĩ trong đầu, chị Thúy nói:
- Tao cũng thấy gì kỳ quá! Bố mình là con cả giữ từ đường là phải. Bố không có con trai thì còn chú Tư, chú Ngũ... Bà nội mình khéo lẩm cẩm mất rồi!

Chú Hy đưa bà ra Huế, rồi về Hà Nội, đã hơn mươi ngày vẫn chưa nghe ai nói gì, bỗng bà nội tôi khăn nón trở về, bà kể: Đưa chú Hy ra Huế. Bà đã làm lễ cho chú ra mắt lạy bàn thờ tổ đưa chú ấy đi thăm họ hàng:
- Nó cũng đã đưa tôi ra ngoài ấy thăm u. Cô ấy, người cũng thật thà chân chất! Bà nội nói với bố mẹ tôi.
Đoạn bà thở dài đánh xượt:
- Đời chúng tôi... đồng khổ!
Mấy hôm liền bà cứ khóc sụt sịt với bố tôi. Bà bảo bà còn có một mình bố.
- Sao bà lại bảo chỉ có một mình bố? Tôi và chị Thúy hỏi mẹ.
- Chuyện người lớn chúng mày hỏi làm gì? Mẹ gắt khẽ.

Hôm nay có cả chú Tư, chú Ngũ vào, ngồi xuống mâm cơm, mẹ tôi bảo chúng tôi dọn mâm riêng ở nhà sau, bố tôi cản lại:
- Chúng nó lớn cả rồi, dể cho chúng nó hiểu chuyện luôn.

Chúng tôi tròn xoe mắt nghe kể: Ngày xưa bà nội đã sinh ra bố rồi mới gặp ông nội. Ông với bà nội tôi sinh được cô Nhị, nhưng cô đã chết hồi mười tuổi. Ông ở với bà nội tôi không được bao lâu thì ra nhận chức quan tận Hưng Yên. Do cách sống phong kiến cổ hủ: Trai năm thê bảy thiếp, ông nội đi đến đâu cũng lấy vợ lẽ. Bà nội tôi về làm dâu; một tay  bà quán xuyến trông nom đền tự nhà chồng, phụng dưỡng cha mẹ chồng, lại còn lo thâu gom những đứa con rơi của chồng về nuôi dưỡng, hồi trước còn có cả mẹ con cô Tam ở chung, sau đằng ngoại họ xin về rồi mất liên lạc. Chú Tứ, chú Ngũ do ông gởi vào cho bà nuôi; vậy mà những năm đang chiến tranh loạn lạc ông nhắn vào bảo chú Tứ, chú Ngũ không phải là con ông đâu.

Tâm lý bà nội tôi thật phức tạp. Duyên số đẩy đưa cho bà không dược trọn vẹn, bà vẫn tự  buộc mình là người của nhà ông, cố gắng làm tròn "tam tòng tứ đức", vừa mặc cảm bản thân không có con cái ràng buộc huyết thống nhà chồng; bà tìm chú Hy cho trọn đạo nghĩa; lại vừa lo sợ người kế tự dòng họ nhà chồng vô tâm vô tình không hiểu tận công tình của bà…
Tôi buột miệng:
- Sao bà nội…
Mẹ tôi lừ mắt, ra hiệu im lặng. Bà nội bảo:
- Thời tôi là thế… đau khổ, tủi cực trăm bề. Tôi đã cố gắng nuôi anh Tứ, anh Ngũ nên người. May sao các anh cũng hiếu nghĩa.
Bà chặm nước mắt nói tiếp:
- Từ đường nhà ông nay đã có người kế tự, tôi giao lại anh Hy, thế là xong trách nhiệm, bổn phận tôi.
Mọi người đồng im lặng. Bố tôi lấy một lá thư đưa lên bảo:
- Chú ấy nhờ người đưa thư vào, nhắn là bận công tác, không xin vào được, nhờ tôi đọc thư này cho cả nhà nghe, ý chú còn muốn “ghi lời bằng giấy trắng mực đen” nữa đấy.
Bố tôi gỡ thư ra, trịnh trọng đọc; chúng tôi nín thở, lắng nghe từng lời của chú Hy, qua giọng đọc của bố:
“… Theo con, ở đời thâm tình không nhất thiết phải có quan hệ máu mủ. Như mẹ đã hy sinh hết cả cuộc đời để phụng dưỡng ông bà con, cưu mang các anh con, rồi lại có lòng tìm kiếm con. Thâm tình mẹ đã cho tất cả chúng con. Con tôn kính mẹ, quý trọng anh Cả, anh Tứ, anh Ngũ, mến thương các cháu.
Chẳng có gì làm bằng là anh Tứ, anh Ngũ không cùng huyết thống với con, mà nếu có là như vậy đi nữa, chúng con vẫn đồng là con của mẹ cả.
“Từ đường” là chung của anh Cả, anh Tứ, anh Ngũ và con là út. Sau lớp chúng con còn để lại lớp con cháu nữa. Con xin  được góp một phần hương khói… Lòng con, xin mẹ và các anh hiểu…”.
Tất cả mọi người ngồi lặng yên.

Bố tôi dang hai cánh tay quàng vai chú Tứ, chú Ngũ:
- Thế là mẹ đã thoả nguyện chưa? Hết nghĩ ngợi “viễn vông” chưa?
Chú Tứ nói:
- Có những bà mẹ nuôi cùng lúc một tiểu đội con, con đẻ, con nuôi, con ông, con bà, con nào cũng đều là con cả.
Chú Ngũ gật đầu:
- Chỉ có thâm tình là trọng mẹ à.
Bố tôi cười ha hả:
- Bên ông đã có người kế tự, bên bà con cháu đề huề. Đích tôn lại được cả đôi. Mẹ chúng mình chu toàn tất tần tật!
Cả nhà cười xoà, bà nội tôi vừa lau nước mắt, vừa cười phô trọn hai hàm răng đen nhuộm hạt na.
  • Lê Mai 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét